GIỚI THIỆU SÁCH THÁNG 4/2025
GIỚI THIỆU SÁCH TRONG GIỜ CHÀO CỜ ĐẦU TUẦN
CHỦ ĐỀ: HƯỞNG ỨNG NGÀY SÁCH VÀ VĂN HOÁ ĐỌC VIỆT NAM 21/4, TÔN VINH GIÁ TRỊ CỦA SÁCH VÀ DUY TRÌ NỀN VĂN HÓA ĐỌC
Kính thưa các thầy cô giáo và các bạn học sinh thân mến!
Sách là nguồn cảm hứng không ngừng, là kho tàng tri thức vô tận mà con người có thể tận hưởng qua từng trang sách. Việc đọc sách không đơn thuần là việc học hỏi kiến thức mà còn là hành trình khám phá sự đa dạng và phong phú của cuộc sống. Mỗi cuốn sách là một cửa sổ mở ra thế giới mới, nơi mà tâm hồn bay bổng và tư duy mở rộng.
Đọc sách không chỉ nâng cao hiểu biết mà còn giúp con người thư giãn, xua đi cái nhức nhối của cuộc sống. Sách giải trí như một liều thuốc an thần, đưa ta đến những thế giới huyền bí, kịch tính, và đôi khi là những tràng cười sảng khoái.
Không chỉ là nguồn kiến thức, sách còn là người bạn tâm giao, đồng hành trong những khoảnh khắc cô đơn, là nguồn động lực, là nguồn năng lượng tích cực giúp con người vượt qua khó khăn và thách thức.
Có những cuốn sách giúp chữa lành những vết thương trong cuộc sống. Cũng nhờ những cuốn sách mà chúng ta nhận ra những điểm yếu và từ đó tự hoàn thiện bản thân mình.
Đọc sách là thói quen quý báu, là nguồn động viên để vươn lên, phấn đấu hơn.
Vậy nên, hãy chăm chỉ đọc sách, để cuộc sống của chúng ta trở nên rực rỡ hơn qua từng cuốn sách, để tâm hồn chúng ta được bồi dưỡng, trí tuệ được mở rộng, và cuộc sống trở nên ý nghĩa hơn mỗi ngày.
Kính thưa các thầy cô giáo cùng toàn thể các bạn học sinh!
Trong dòng chảy của lịch sử văn minh nhân loại từ bao thế kỷ nay ở nhiều nước đã xuất hiện thư viện và việc tổ chức đọc sách, báo cho các tầng lớp nhân dân: lịch sử của “ngày hội đọc sách” được ra đời từ hơn 80 năm trước ở Tây Ban Nha vào ngày lễ thánh Giooc-giơ 23/4. Người ta yêu mến tặng nhau những cuốn sách kèm theo những đóa hoa hồng và những ai mua sách sẽ được tặng kèm theo một bông hồng đẹp. Từ đó hàng năm, truyền thống tốt đẹp này được người Tây Ban Nha phát triển thành “Ngày hội đọc sách” trên các đường phố. Sau đó hoạt động văn hóa có ý nghĩa này lan rộng ra nhiều nước ở Châu Âu, Châu Mỹ, Châu Á, Châu Phi,… được diễn ra dưới nhiều hình thức như: tuần lễ đọc sách, ngày sách, tuần lễ thư viện.
Ở Việt Nam, ngày 24/02/2014 Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 284/QĐ-TT lấy ngày 21/4 hàng năm là “Ngày Sách Việt Nam”. Quyết định nêu ra: “Ngày Sách Việt Nam được tổ chức hàng năm nhằm khuyến khích phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, nâng cao nhận thức của nhân dân về ý nghĩa to lớn và tầm quan trọng của việc đọc sách đối với việc nâng cao kiến thức và kỹ năng phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người”.
Hoà chung không khí vui tươi hưởng ứng ngày sách Việt Nam 21/4/2025. Trong chuyên mục giới thiệu sách hôm nay, thư viện trường THCS Tân Tiến xin giới thiệu tới các thầy cô giáo và các bạn học sinh cuốn sách: Nhật ký Đặng Thùy Trâm . Hòa chung khí thế cả nước hân hoan kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025); 71 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5/2025), trong lòng mỗi học sinh chúng em lại trào dâng lên niềm vui, niềm tự hào và biết ơn vô hạn đối với thế hệ cha ông lớp trước, với hàng triệu những anh hùng liệt sĩ đã dâng hiến tuổi xuân cho độc lập tự do của dân tộc. Có rất nhiều câu chuyện đẹp về những anh hùng , liệt sỹ đã hy sinh cho Tổ quốc, nhưng có một câu chuyện về một nữ bác sỹ- liệt sỹ Đặng Thùy Trâm đã thực sự gây xúc động cho bản thân em.
Cuốn nhật ký đó tràn đầy chất lý tưởng và tình người của người con gái Hà Nội đã hy sinh anh dũng khi tuổi đời chưa đầy 28. Đó là liệt sỹ, bác sỹ Đặng Thùy Trâm. Chị đã trở thành biểu tượng và niềm tự hào của một thế hệ cầm súng vào giai đoạn lịch sử không thể nào quên của dân tộc Việt Nam.
Nhật ký Đặng Thùy Trâm là những ghi chép hàng ngày của một người nữ bác sĩ về cuộc sống của chị nơi chiến tuyến. Cuốn nhật ký là thế giới riêng của người trí thức nhạy cảm mà không yếu đuối, tha thiết với cuộc sống mà không hề sợ hãi trước những gian nan. Ở đó ta vẫn gặp những băn khoăn trăn trở trước tình yêu, trước cuộc sống phức tạp hàng ngày, những nỗi buồn, nỗi nhớ nhung, sự cô đơn của một người con gái, nhưng đồng thời chúng ta cũng thấy được một ý chí mãnh liệt, những lời nói tự động viên cảnh tỉnh, một lòng can đảm phi thường - những điều đã làm nên một thế hệ anh hùng.
Đặc biệt, cuốn nhật ký được dịch ra khoảng 20 thứ tiếng; góp phần giúp độc giả khắp thế giới thấy được những năm tháng chiến tranh ác liệt mà dân tộc ta đã phải trả bằng máu xương để có nền hòa bình độc lập ngày hôm nay. Cuốn Nhật ký cũng chính là cảm hứng để NSND Đặng Nhật Minh xây dựng bộ phim chính kịch lịch sử “Đừng đốt” làm xúc động lòng người trong và ngoài nước. Cuốn sách “ Nhật ký Đặng Thùy Trâm “ đã cho em hiểu hơn về thế hệ cha ông , về một thời kỳ gian khổ, oanh liệt mà hào hùng, để em thêm trân trọng giá trị của hòa bình, biết ơn những anh hùng liệt sỹ và biết vượt qua gian khổ để sống có ý nghĩa hơn cho cuộc đời như bác sỹ đã viết: “Đời phải trải qua giông tố nhưng chớ cúi đầu trước giông tố”. Bác sĩ Đặng Thùy Trâm mãi là tấm gương cho thế hệ trẻ hôm nay - những người sinh ra và lớn lên sau chiến tranh, chưa từng nếm trải trận mạc, gian khổ, mất mát và hy sinh - biết trân trọng cuộc sống mình đang có, biết sống có ước mơ, có hoài bão và luôn vì mọi người
Em hy vọng tất cả mọi người, đặc biệt là thế hệ trẻ, những học sinh như chúng em, các bạn hãy một lần tìm đọc cuốn sách để thấm thía hơn những hy sinh của cha ông, để cảm nhận sâu sắc những mất mà họ đã phải chịu đựng, để biết ơn họ. Từ đó mỗi chúng ta sẽ xác định được đúng đắn mục tiêu cho chính cuộc đời mình, để sống tốt hơn, sống có ý nghĩa hơn góp một phần nhỏ bé của mình vào công cuộc dựng xây đất nước hôm nay và mai sau.
Xin chào và hẹn gặp lại các bạn trong buổi giới thiệu sách lần sau!
NHÀ TRƯỜNG XÁC NHẬN
Nguyễn Thị Loan
|
NGƯỜI SOẠN
Phạm Thị Chúc
|